Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cách thức vận hành của thế giới, từ quản trị chính phủ đến kinh doanh và đời sống hàng ngày. Trong bối cảnh này, AI Stack – bao gồm các tầng công nghệ từ phần cứng, hạ tầng đám mây, đến các ứng dụng cuối cùng – đã trở thành nền tảng để phát triển và triển khai AI. Với tiềm năng và nguồn lực sẵn có, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để khai thác AI Stack, tạo lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên công nghệ.
Ngành công nghiệp bán dẫn
Công nghệ bán dẫn là trái tim của ngành công nghệ điện tử và công nghệ thông tin của chúng ta. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ của ngành công nghệ bán dẫn. Các hãng sản xuất chíp lớn như NVIDIA, Intel, Qualcomm, Samsung… đều xác định ngành công nghệ bán dẫn là chiến lược trong sự phát triển của họ.
Việt Nam có những lợi thế nhất định và không nằm ngoài xu hướng công nghệ của thế giới, trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể nắm bắt những cơ hội để vươn mình trong bản đồ công nghệ của thế giới như:
- Phát triển ngành thiết kế chip: Nhân lực của chúng ta có ưu điểm về nắm bắt công nghệ mới, ngành thiết kế chip ở Việt Nam đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, chúng ta có thể hợp tác với các hãng sản xuất chip lớn trên thế giới như NVIDIA, TSMC, SemiActive … để phát triển nhanh chóng đội ngũ thiết kế chip.
- Lắp ráp và thử nghiệm bán dẫn (OSAT): Với vị trí gần chuỗi cung ứng lớn tại châu Á, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm lắp ráp và kiểm thử bán dẫn.
Ở lĩnh vực ngày, chúng ta có thể học hỏi mô hình thành công của Ấn Độ về chính sách khuyến khích đầu tư bán dẫn, thu hút các công ty như Micron và TSMC với mức đầu tư hơn 2 tỷ USD.
Hạ tầng đám mây (Cloud Infrastructure)
Hạ tầng đám mây đã phát triển rất mạnh mẽ trong những thập kỷ qua, với sự bùng nổ của AI và dữ liệu lớn, là nền tảng phát triển của các mô hình AI – hạ tầng đám mây hứa hẹn sẽ có những bước phát triển đột phá về nhu cầu trên toàn cầu. Trên thế giới có AWS, Microsoft Azure, và Google Cloud đang dẫn đầu toàn cầu, trong khi Viettel Cloud và FPT Cloud đại diện cho năng lực trong nước.
- Cơ hội cho Việt Nam là phát triển trung tâm dữ liệu (Data Lake): Chính phủ và tập đoàn có thể xây dựng các trung tâm dữ liệu để lưu trữ và xử lý dữ liệu công cộng.
- Ngoài ra, ưu tiên sử dụng đám mây nội địa: Đảm bảo tính bảo mật và hỗ trợ các dự án AI trong nước.
Các doanh nghiệp Việt Nam như FPT Cloud hoặc Viettel Cloud … có thể học hỏi mô hình của Singapore đã xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu quốc gia với các trung tâm dữ liệu lớn, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp AI.
Mô hình ngôn ngữ lớn (Foundation LLM Models)
Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như GPT-4, LLaMA, và Gemini đang dẫn đầu trong việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hỗ trợ hàng triệu ứng dụng AI từ chatbot đến phân tích dữ liệu.
- Việt Nam có thể phát triển mô hình tiếng Việt: Chính phủ có thể tài trợ phát triển mô hình ngôn ngữ tiếng Việt dựa trên GPT-4 hoặc LLaMA để tối ưu hóa cho các ứng dụng trong nước.
- Phát triển các Startup AI: Hỗ trợ startup tạo ra các sản phẩm, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực như FinTech, giáo dục hoặc phân tích dữ liệu dựa trên nền tảng LLM.
Trên thực tế, OpenAI đã thương mại hóa GPT-4 thông qua API, mở đường cho hàng nghìn ứng dụng khởi nghiệp. Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác tương tự bằng cách tạo ra các ứng dụng nội địa dựa trên mô hình ngôn ngữ.
Điều phối AI (Agentic Orchestration)
Điều phối AI là quá trình quản lý và phối hợp nhiều tác nhân AI để cùng nhau làm việc trong một hệ thống thống nhất. Đây là bước tiếp theo trong tự động hóa AI và có thể giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất và khả năng ra quyết định. Các công cụ như LangChain và Haystack giúp kết hợp LLM với cơ sở dữ liệu và tài liệu lớn, phục vụ các ứng dụng từ phân tích văn bản đến chatbot.
- Các công ty Việt Nam có thể sử dụng LangChain hoặc Haystack để phát triển chatbot hỗ trợ khách hàng, quản lý dịch vụ công trực tuyến.
- Tích hợp AI vào các hệ thống quản trị tài liệu doanh nghiệp hoặc chính phủ để phân tích kho dữ liệu lớn.
Trong thực tiễn, LangChain đã được các tập đoàn như Salesforce sử dụng để phát triển hệ thống hỗ trợ khách hàng tự động. Chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng vào lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ công…
Ứng dụng AI (Application)
Ứng dụng AI đã len lỏi vào hầu hết các lĩnh vực, từ giáo dục, y tế, tài chính đến nông nghiệp và giải trí. Trong tương lai, chắc chắn rằng các ứng dụng AI sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng để hỗ trợ giải quyết những bài toán thực tế.
Với đội ngũ nhân lực dồi dào và khả năng tiếp thu công nghệ mới tốt, chúng ta có thể phát triển các ứng dụng AI dành riêng cho Việt Nam, các nguồn dữ liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như văn hóa, đòi sống và con người bản địa.
- Giáo dục: Phát triển nền tảng học tập cá nhân hóa, sử dụng AI để tối ưu hóa lộ trình học tập cho từng học sinh.
- Y tế: Ứng dụng AI trong chẩn đoán từ xa và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử.
- Nông nghiệp: Phân tích dữ liệu mùa vụ, dự đoán thời tiết, và quản lý chuỗi cung ứng nông sản.
Như vậy, với xu hướng và những cơ hội đã nêu trên đây, Việt Nam có thể có những bước tiếp cận, nắm bắt cơ hội để hòa chung nhịp chảy của xu thế khoa học công nghệ cũng như kinh tế, xã hội.
Chính phủ tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất và lắp ráp bán dẫn. Tạo nguồn lực để thúc đẩy ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.
Xây dựng hệ sinh thái đám mây nội địa: Hỗ trợ các doanh nghiệp như Viettel và FPT phát triển đám mây mạnh mẽ, cung cấp dịch vụ dữ liệu an toàn cho các tổ chức và doanh nghiệp.
Phát triển mô hình LLM tiếng Việt, tạo ra các ứng dụng AI phục vụ xã hội.
Ths. Phạm Trung Thành